Tỉ lệ mắc bệnh tăng huyết áp đang ngày càng gia tăng, không chỉ ở người lớn tuổi mà còn ở những người trẻ. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh lý về tim mạch. Việc điều trị bệnh tăng huyết áp không chỉ dùng thuốc mà còn phải lưu ý đến việc ăn uống và thay đổi lối sống của người bệnh. Trong một số trường hợp tăng huyết áp nhẹ, chỉ riêng việc ăn uống và vận động phù hợp đã có thể kiểm soát tốt huyết áp, không cần dùng thêm các loại thuốc hạ áp.
Riêng về thực phẩm, loại nào người bệnh tăng huyết áp nên ăn, loại nào không nên ăn?
Thực phẩm cần hạn chế
Muối: Bữa ăn có nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp. Muối không chỉ có trong các loại gia vị như nước tương, nước mắm mà còn có nhiều trong các loại thực phẩm khác nữa như các loại khô, mắm, trứng vịt muối, lạp xưởng và các thực phẩm thuộc dạng chế biến sẵn khác như dưa cải muối, cả lụa, mì ăn liền,…Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh tăng huyết áp không ăn quá 3-6 gam muối mỗi ngày.
Chất đạm: Cần hạn chế các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu…vì chứa nhiều cholesterol xấu, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, là nguyên nhân gây tăng huyết áp.
Chất béo: Thừa cân, béo phì là yếu tố làm cho huyết áp khó kiểm soát. Các chất béo bão hoà như mỡ động vật, da, phủ tạng động vật, dầu dừa… nên hạn chế đối với người tăng huyết áp. Trong cách chế biến thực phẩm, không nên chọn cách chiên xào bởi vì sẽ làm tăng năng lượng của bữa ăn.
Chất bột đường: Cơm, phở, hủ tíu, bún, khoai, bắp…nên được ăn với số lượng vừa phải. Các loại thực phẩm nhiều đường như bánh kẹo ngọt, nước ngọt, trái cây sấy khô, trái cây chín ngọt như xoài, mít… nên hạn chế.
Thuốc lá và các chất kích thích khác: Bỏ hút thuốc lá là ưu tiên một đối với người bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, các chất có tác dụng kich thích thần kinh như trà, cà phê, rượu, bia…cũng nên hạn chế ở người bệnh.
Thực phẩm nên ăn
Chất đạm: Chế độ ăn của người tăng huyết áp nên có 50% là đạm động vật, 50% là đạm thực vật. Đạm thực vật có trong các loại đậu, nấm, rong biển,…Đạm động vật nên hạn chế các loại thịt đỏ, thay vào đó nên ăn bằng các loại thịt trắng (gà, vịt, ngỗng bỏ da), cá,…Các chuyên gia khuyến khích nên có 2-3 bữa cá trong tuần.
Chất béo: Tổng lượng chất béo trong khẩu phần ăn nên dưới 25%, nên chọn các loại chất béo không bão hoà như dầu nành, dầu olive, dầu mè, dầu phộng,…Nên chọn cách chế biến kho nhạt ít muối, luộc, nấu canh hơn là chiên xào.
Các loại rau xanh, trái cây: Đây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất rất tốt cho cơ thể. Kali giúp làm giảm ảnh hưởng của Natri máu, qua đó làm ổn định huyết áp. Thực phẩm chứa nhiều Kali như cam, quýt, chuối, nho, cải bó xôi, nấm, đậu Hà lan,cà chua…Magne giúp điều hoà nhịp tim và ổn định huyết áp, có nhiều trong các loại cải bó xôi, chuối, hạnh nhân… Các vitamin C, E có tác dụng chống oxy hoá, tăng độ bền thành mạch, phòng ngừa xơ vữa động mạch. Rau và trái cây các loại còn là nguồn cung cấp chất xơ quan trọng cho cơ thể, ngoài tác dụng chống táo bón còn có tác dụng ngăn cản hấp thu Cholesterol vào máu, và đào thải lượng Cholesterol dư thừa trong lòng ruột ra ngoài.
Chất bột đường: Nên ăn các loại ngũ cốc thô, chưa qua chế biến, xay xát như bánh mì đen, yến mạch, gạo lứt…
Sữa và các chế phẩm từ sữa: Đây là thực phẩm chứa nhiều Canxi dễ dàng được cơ thể hấp thu. Canxi không chỉ giúp xương chắc khoẻ mà còn giúp ổn định huyết áp. Khuyến khích sử dụng các loại sữa không đường ít béo hoặc tách béo.